01-10-2010
Sâm Ngọc Linh là một trong số ít những loại sâm quý nhất thế giới hiện nay. Việc trồng loại sâm này sẽ hiện thực hóa khát vọng đổi đời của người dân ở Tây Nguyên.
Sâm già như thế này có giá không dưới 100 triệu đồng/kg
Hàng triệu lượt người tìm đến dãy núi bốn mùa mây phủ Ngok
Linh (Kon Tum, Quảng Nam) để tìm sâm Ngọc Linh từ nhiều năm nay. Tại
đây, sâm mọc ở độ cao khoảng 1.200 – 1.500m, dưới tán rừng già, ít ánh
sáng. Nhiệt độ thích hợp cho sâm phát triển nằm trong khoảng 20-250C.
Phân bón sâm là mùn của các lá, cây rừng đã hoai mục. Giá sâm nhanh
chóng tăng từ 20 - 30 triệu đồng/kg sâm tươi lên 50 - 70 triệu đồng/kg
nhưng vẫn luôn “cháy” hàng. Nhiều thương lái sẵn sàng trả giá cao hơn
nữa cho sâm có chất lượng cao, nhưng sâm Ngọc Linh trong các cánh rừng
già cũng cạn kiệt vì sự khai thác của người dân.
Nhằm giữ nguồn gien quý và phát triển loại cây trồng đặc biệt quý
hiếm này, Trung tâm sâm Ngọc Linh lập dự án và đã trồng được hơn 3 ha
sâm, trong đó có hơn 1 ha sâm trên 10 năm tuổi, số còn lại từ 2 - 7 năm.
Theo kế hoạch, từ năm 2010 – 2012, trung tâm sẽ bán giống sâm với giá
ưu đãi so với giá thị trường.
|
Sâm Ngọc Linh được đồng bào dân tộc dùng như một loại
thuốc cầm máu, làm lành vết thương, làm thuốc bổ, trị sốt rét, đau
bụng... Theo các nghiên cứu khoa học, sâm Ngọc Linh có tác dụng chống
trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống lão hóa, phòng chống ung thư,
bảo vệ tế bào gan, tăng thị lực, sức đề kháng, nâng cao huyết áp ở người
bị huyết áp thấp...
|
|
Điểm hạn chế là với diện tích sâm nói trên, mỗi năm trung tâm chỉ thu
hoạch hạt, gieo trồng và phát triển được thêm khoảng 0,5 ha. Ông Lê
Tiến Chinh, cán bộ quản lý của dự án sâm Ngọc Linh, cho biết: “Quy trình
gieo hạt gặp nhiều khó khăn khi tỷ lệ thành công chỉ đạt khoảng 60%.
Bởi vậy, để giống sâm của trung tâm có mặt trên thị trường vẫn cần thêm
nhiều thời gian”.
Hiện cây giống sâm Ngọc Linh được nhiều người dân lùng mua với giá
30.000 - 40.000 đồng/cây, nhưng vẫn rất thiếu. Số cây giống này đa phần
được người dân khai thác từ rừng già. Trồng được 1 ha sâm, theo tính
toán của một số nhà chuyên môn, có thể thu lợi trên 3 tỉ đồng sau 7 năm
chăm sóc. Trong nỗ lực xóa nghèo đói ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), chính
quyền huyện này đã dành một phần ngân sách khoảng 50 - 70 triệu
đồng/năm hỗ trợ người dân mua giống sâm về trồng. Chương trình thực hiện
từ năm 2006 đến nay, và đã có trên 2 ha sâm được trồng với trên 30.000
cây giống. Sâm Ngọc Linh còn được di thực trồng ở các địa phương nằm
trong dãy Ngok Linh thuộc tỉnh Quảng Nam với diện tích hơn 20 ha.
Theo một số nhà khoa học, ngoài vùng núi Ngok Linh, sâm còn có thể
mọc ở vùng núi Ngọc Lum Heo thuộc địa phận huyện Phước Sơn (Quảng Nam),
Langbian (Lâm Đồng). Tuy nhiên hiện vẫn chưa có công trình nghiên cứu
nào của các nhà khoa học được công khai về các điều kiện để trồng, chăm
sóc sâm Ngọc Linh ở các vùng đất khác. Viện Nghiên cứu nhiệt đới đã thử
nghiệm thành công trồng sâm Ngọc Linh bằng phương pháp cấy mô, nhưng khi
đem ra trồng lại không phát triển, kể cả việc trồng ở Đà Lạt, nơi có
khí hậu khá tốt. Kết quả khả quan nhất là hàng ngàn cây sâm được trồng ở
các huyện thuộc tỉnh Quảng Nam như Tây Giang, Phước Sơn bước đầu cho
kết quả tốt.