Lựa chọn nhân sâm thế nào - Lua chon nhan sam the nao
Banner
Hotline: 0904.981.981 - 0936.319.818
Tin Tức

Lựa chọn nhân sâm thế nào

14-07-2010

Nhiều người vẫn lầm tưởng sâm là thần dược và gửi trọn niềm tin vào những người bán hàng. Họ sẵn sàng mua sâm quý với giá cắt cổ và không cần xem xét kỹ.

"Sâm bổ lắm. Ai cũng dùng được hết. Mua lấy mấy củ về làm quà cho ba, mẹ ở quê", người phụ nữ bán sâm và thuốc Bắc trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Q. 5, TP. HCM, niềm nở giới thiệu.

Thấy khách e ngại, chị tiếp tục quảng cáo: "Có nhiều loại sâm lắm. Đắt tiền, ít tiền có hết. Tụi chị bán hàng chính hãng, không lo sâm giả đâu". Vừa nói, chị vừa chỉ cho chúng tôi xem những loại sâm bày trong cửa hàng. Có vô số loại sâm được bày trên mẹt tre, trong tủ kính, trên mâm sắt. Có loại được đóng hộp, có loại chỉ bọc bao ni-long, thậm chí có loại được đựng trong hộp gỗ sơn son thiếp vàng.

Tôi đi thâm nhập thị trường sâm

Trong khi người bạn đi cùng "giả đò" cho lương y bắt mạch, tôi hỏi mua sâm cho người 50 - 60 tuổi. Cô bán hàng khoảng 20 tuổi bê ra một lọ bằng nhựa chứa sâm lát. Lọ này không nhãn mác, không dấu kiểm tra chất lượng. Phía dưới đáy lọ tôi thấy một ít gạo đã mốc xanh. Hỏi ra mới biết: "Bỏ gạo vào bình là để chống mốc, giữ sâm được lâu".

Trên từng lát sâm nổi những đốm mốc trăng trắng hay thâm đen. Cô bán hàng giới thiệu: "Đây là nhân sâm nhập khẩu, chỉ có 50.000 đồng/100 gam".

Tôi hỏi mua loại sâm củ, chị bán hàng vẫn nhiệt tình giới thiệu. Chị đưa ra cây sâm củ to và dài bằng ngón tay trỏ, đầu củ sâm giống gỗ, vài chiếc rễ thâm nhạt.

Tôi hỏi: "Nhân sâm này chừng bao nhiêu tuổi?". Chị bán sâm trả lời: "Ai mà biết tuổi sâm".

Vừa lúc ấy, một người đàn ông khoảng gần 50 tuổi, da dẻ vàng vọt, bước vào cửa hiệu. Ông ta bảo: "Chị bán cho tôi hai hộp sâm".

Lát sau, chị bán hàng đưa ra hai lọ sâm hiệu với giá 80.000 đồng/hộp. Khi mở lọ sâm ra kiểm tra, người khách phát hiện những viên thuốc bên trong đã bị vỡ và hộp thuốc dính đầy bụi mốc. Chị bán sâm giải thích ngay: "Hàng lấy từ Malaysia nên đi đường bị xóc, vỡ ra là chuyện bình thường, miễn sao hàng vẫn đảm bảo chất lượng là được".

Chị còn đưa lọ sâm lên mũi người khách bảo: "Vỡ ra thế lại càng thơm hơn ấy chứ".


Nhân sâm  

Đa dạng về chủng loại, giá cả, xuất xứ...

Chỉ dạo quanh một vòng các cửa hàng thuốc Đông y trong thành phố, chúng tôi đã thấy sự phức tạp về thị trường sâm hiện nay.

Sâm không chỉ đa dạng về xuất xứ, chủng loại, mà còn cả hãng sản xuất và giá cả.

Chỉ riêng về nơi xuất xứ bạn có thể tìm được đủ loại sâm từ Triều Tiên, Trung Quốc, Hoa Kỳ đến Việt Nam.

Tại một cửa hàng trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Q. 5, TP. HCM, chúng tôi chú ý đến một người đàn ông mập mạp, tay đeo nhẫn vàng to cẩn đá mắt mèo đen nhánh. Vừa bước vào, ông ta nói lớn: "Ở đây có bán sâm không?".

Chị bán hàng liền bỏ những người xung quanh,niềm nở đón: "Anh cần loại sâm nào cũng có hết".

"Sâm nào tốt nhất", người đàn ông nhấc hộp nhựa đựng sâm cô bán hàng vừa bỏ lên tủ kính ngắm nghía và nói.

Người bán hàng liến thoắng: "Sâm nào cũng tốt. Sao anh không mua sâm Hoa Kỳ này đi, 200.000 đồng/100 gam, nhiều người chuộng lắm". Sâm Hoa Kỳ được bọc trong bịch ni-long, có màu vàng nhạt, khô quắt nhìn giống mắt của cây tre già. Vị khách đưa bịch sâm lên nhìn, ngửi rồi bỏ đi thẳng.

Chị bán hàng lườm nguýt nói bỏ trỏng: "Ôi, cái thứ người chả biết gì mà cứ bày đặt làm sang...".

Tôi chen ngang: "Tôi cũng muốn mua sâm cho bà nội dùng nhưng không có nhiều tiền. Có loại nào rẻ hơn không?".

Người bán hàng nhiệt tình bày lên một số củ sâm nhỏ màu nâu nhạt, giới thiệu: "Sâm của Việt Nam lấy từ tận núi cao rừng sâu về. Không mất thuế nhập khẩu nên rẻ hơn tất cả các loại sâm khác nhưng tốt không kém".

Tôi vờ chê cứng, người bán hàng đưa ra một hộp sâm bột, mấy vỉ đạm sâm, mấy hộp cao sâm, hướng dẫn: "Không dùng được sâm cứng, cô nên mua sẵn loại bột, chỉ cần hoà nước để uống là xong. Cao sâm cô đặc cũng tiện dùng...".

Nhìn đám bột thâm nâu lấm tấm vàng, miếng cao thâm đen có phảng phất mùi sâm, không ai biết trong thành phần đó có lẫn những bột gì, cao gì?

Giá sâm cũng "trên trời", mặc người bán thét thế nào thì thét. Loại rẻ nhất khoảng 50.000 đồng/100 gam, loại đã chế thành đạm của Việt Nam giá 60.000 đồng/hộp 10 vỉ. Một loại sâm khác cũng dạng viên, xuất xứ Hàn Quốc, đóng trong hộp sắt cũng có giá 60.000 đồng/hộp. Sâm Triều Tiên giá 250.000 đồng/hộp...

Cùng một loại sâm lát cửa hàng này bán giá 60.000 đồng/100 gam, cửa hàng khác bán giá gấp đôi. Hỏi tại sao đắt hơn, họ chỉ bảo do chất lượng sâm của mình tốt hơn. Không ai kiểm chứng cho những gì họ nói.

Thậm chí, nếu cần, bạn cũng có thể mua loại sâm quý hiếm với giá cả hàng trăm triệu đồng.

Người tiêu dùng lạm dụng sâm

Tất cả các loại sâm đều được quảng bá như một loại thần dược. Những lợi ích hấp dẫn của nó thường được người bán nhắc đi nhắc lại: tăng trí thông mình, chống mỏi mệt, chống lão hoá, chữa ung thư, làm mặt nạ giúp da hồng hào đẹp như Tây Thi... Một số loại sâm còn được quảng bá "người hùng trong việc gối chăn, tốt cho cả nam và nữ".

Thậm chí còn có sâm cải tử hồi sinh. Đó là chuyện của chị Nguyễn Phương Linh, Q. 1, TP. HCM. Năm ngoái, bà nội chị sắp qua đời, nghe mọi người giới thiệu có loại sâm giúp người bệnh nặng khoẻ lại nên chị lặn lội lên khu vực Hải Thượng Lãn Ông, Q. 5, TP. HCM, tìm bằng được. Ông chủ cửa hàng nói với chị: "Cả thành phố này chỉ có cửa hàng tôi mới có, loại sâm này giá 120 triệu/củ sâm".

Củ sâm to đựng trong lọ kính, còn nguyên rễ, giống như hình người. Nghe ông chủ nói, chị muốn mua nhưng không biết lấy đâu ra tiền. Chị Linh ân hận mãi vì "có cách mà không giúp bà". Nỗi oan ấy được giải khi mấy tuần sau, người bạn đi cùng chị hôm đó đã mua củ sâm ấy cho người họ hàng sắp mất. Tốn tiền, sâm uống rồi mà người bệnh vẫn chết.

cua hang sam.jpg
 

Có thể thấy, không ai phủ nhận những tác dụng của nhân sâm, nhưng ngoài việc người bán tự huyễn hoặc những tác dụng của sâm, chính người mua cũng tiếp tay để khiến thị trường sâm trở nên "không biết đường nào mà lần", đẩy giá sâm lên cao và khuyến khích sâm giả, kém chất lượng lưu hành tràn lan trên thị trường. Kết cục, chính người tiêu dùng tự hại mình, tiền mất tật mang.

Trong quá trình viết bài, chúng tôi có dịp tiếp xúc với chị Nguyễn Hồng Hoa, 40 tuổi, ngụ tại Tản Đà, Q. 5, TP. HCM, một tín đồ của sâm.

Chị bảo: "Tôi mua sâm hàng tháng ở đây, cả nhà tôi ai cũng dùng sâm. Tôi thích món này nhất nên chế bằng nhiều cách như ăn sống, hấp, nấu canh, nấu nước để uống... Đã khoẻ thì khoẻ hơn. Có tiền cứ tranh thủ mua dùng".

Chị tiết lộ thêm: "Tôi dùng sâm được gần 10 năm rồi. Dạo trẻ tôi mập nên ăn sâm giữ sức để nhịn ăn hàng tuần liền. Bây giờ mỗi ngày không ngậm một miếng sâm là không chịu được".

Thậm chí, được biết, có không ít người mẹ đến mua sâm cho con để tăng sức khoẻ, trị chứng biếng ăn.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, ngụ tại Q. 1, TP. HCM, cho biết: "Con chị đã sáu tuổi mà chưa bao giờ chịu ăn. Nó còm nhom như đứa trẻ lên bốn. Nghe hàng xóm nói nên cho trẻ uống sâm, chị bỏ ra tiền triệu mua sâm nước về ép con uống".

Chị cho con uống được hơn nửa tháng nhưng cậu bé vẫn chưa tăng cân, chị tiếp tục cho uống. Cho đến khi cậu bé nổi mụn đầy lựng, thường xuyên bị hoa mắt. Chị đành phải đưa con đi khám bệnh. Bác sĩ cho biết cũng do lạm dụng sâm mà ra.

Hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến trẻ con mà cho cả người lớn. Ví dụ như trường hợp của chị Trần Thị Ngọc, Q. 3, TP. HCM. Mẹ chị đã 75 tuổi nên chị thường xuyên mua sâm về cho mẹ ngậm, hấp chung với thịt. Mấy ngày đầu, mẹ chị đầy bụng, bỏ luôn cả cơm. Chị lo mẹ mệt, lại đi mua sâm về cho mẹ uống.

Vài ngày sau, mẹ chị bị tiêu chảy nặng, mặt tái xanh. Chị cuống quýt đưa mẹ đi bệnh viện. Bác sĩ bảo bà bị ngộ độc thực phẩm. Đối tượng gây tiêu chảy chính là nhân sâm.

Cẩn thận luôn là điều cần thiết

Một điều dễ nhận thấy là những người bán hàng không có đủ kiến thức để hướng dẫn người tiêu dùng cách sử dụng. Vì mục đích lợi nhuận, họ chỉ biết quảng cáo rầm rộ, thuyết phục khách hàng mua sâm cho bằng được.

Theo tiến sĩ - dược sĩ Bùi Mỹ Linh, khoa Dược, trường Đại học Y Dược TP. HCM, việc làm sâm giả vô cùng tinh vi, rất khó nhận biết, ngay cả những người có "nghề" về dược liệu cũng khó xác định đâu là sâm có đủ chất lượng. Nhân sâm kém chất lượng thường là đậu đũa, sâm đất, hoa sơn sâm, thương lục... ướp lại từ tinh dầu nhân tạo, đậm mùi "sâm thật" và các hoá chất tẩm màu để làm đẹp cho nó.

Ngoài ra, theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP. HCM, hiện nay có rất nhiều nguồn cung cấp sâm từ nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia... Mọi người cứ hễ thấy mệt mỏi, chán ăn, suy nhược lại mua sâm về dùng, như thế hoàn toàn không hợp lý. Những người bị bệnh thực chứng (cấp tính) như cảm sốt, đau bụng tiêu chảy do trúng thực... không nên dùng.

Lương y Đinh Công Bảy còn cho biết: "Không có loại sâm nào có thể dùng cho tất cả mọi người, mọi thể trạng như lời quảng cáo của một vài người bán sâm". Nếu dùng sâm không đúng chỉ định có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc như bệnh càng trầm trọng hơn, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng sức khoẻ nguy kịch, ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, tuỳ vào sức khoẻ từng nười có thể dùng sâm hay không.

Để có thể hạn chế những hậu quả không đáng có, bạn nên nhờ bác sĩ uy tín kiểm tra sức khoẻ và có lời khuyên về việc dùng sâm loại gì và như thế nào.

Cách tốt nhất để có thể có nhân sâm chất lượng, bạn nên chọn mua những nhãn hàng uy tín và sản phẩm sâm đã qua kiểm duyệt của Bộ y tế.

ntvu (sưu tầm)
Có thắc mắc, hỏi đáp, mời bạn comment dưới đây nhé, chúng tôi sẽ trả lời bạn

Bình luận sản phẩm

Hồng Sâm KGIN rất vui khi bạn đã quyết định để lại comment. Chú ý tất cả comment đều được kiểm duyệt cẩn thận, xin đừng cố gắng spam hoặc quảng cáo. Hãy dùng tên của bạn khi comment, không sử dụng keyword trong ô Name. Xin cảm ơn.

Click here to cancel Reply.
Telex   VNI   Off