10-08-2010
" Người Hàn Quốc tin rằng người đầu tiên
tìm ra nhân sâm là một cô gái giàu lòng nhân ái. Nghe theo lời cha mình,
cô đã không quản ngại gian nan, băng rừng vượt suối để rồi cuối cùng
tìm ra thứ báu vật này tại dải Trường Bạch Sơn để kịp thời cứu sống hàng
nghìn dân làng thoát khỏi đại dịch ".
Hành trình đi tìm thuốc "trường sinh bất lão”
Câu chuyện đậm chất huyền thoại kia là
mở đầu cho sự xuất hiện của một báu vật xứ Cao Ly có tên nhân sâm. Ngay
từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc, những người Trung Hoa và Hàn Quốc đã miệt
mài tu luyện và cất công đi tìm một thứ thuốc “trường sinh bất lão”.
Và
trong hành trình tìm kiếm đó, họ đã phát hiện ra nhân sâm, một thứ củ
mang hình dạng kì lạ, giống như con người, với những công dụng rất linh
nghiệm. Người Hàn Quốc gọi nhân sâm là insan với nghĩa là thứ rễ cây
huyền bí và thuốc tiên bí truyền.
Dù nhân sâm có nhiều loại, mọc ở rất
nhiều nơi cả ở Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam… nhưng khi nhắc đến thứ
thần dược này, người ta đều nghĩ ngay đến Hàn Quốc. Ngược lại, người Hàn
Quốc cũng tự cho mình cái đặc quyền về “thương hiệu” nhân sâm.
Nhân sâm lần đầu tiên được thư tịch cổ xứ Hàn nhắc đến là từ thời Goguryeo, từ năm 37 trước Công nguyên đến năm 668.
Người Hàn Quốc bắt đầu trồng loài thảo
dược quý này trên đất nước mình từ năm 513. So với các loại sâm từ các
quốc gia khác thì nhân sâm xứ Hàn có hình dạng giống “người” nhất và
được xem là có nhiều công năng nhất.
Người Hàn khẳng định nhân sâm chính hiệu
phải có hình dáng giống như hai người phụ nữ mảnh mai có đôi chân nhảy
cùng nhau trong gió.
Từ thời xa xưa đó, nhân sâm đã được xem
là một báu vật cung tiến Hoàng đế và triều đình. Song, nhân sâm cũng
không phải là thứ thực phẩm xa lạ gì với người dân Hàn Quốc trong suốt
chiều dài lịch sử.
Gần 1 tỉ đồng một bộ rễ nhỏ
Đối với người Hàn Quốc nói riêng và người châu Á nói chung, nhân sâm trồng tự nhiên mới là “hàng xịn” với đầy đủ các tinh chất.
Vì thế, so với nhân sâm trồng, nhân sâm
tự nhiêu có giá đắt hơn khoảng 30 lần, tất nhiên là còn tuỳ thuộc vào
một số yếu tố khác nữa đi kèm như tuổi cây, kích thước…
Vào tháng 8 năm ngoái, khi hàng loạt các
tờ báo của nước ngoài cũng như trong nước rầm rộ đưa tin về một bộ rễ
sâm 30 năm tuổi được tìm thấy ở núi Sobaek, khu vực huyện Jinan trị giá
lên tới 65 nghìn USD (tương đương gần 1 tỉ đồng) thì cả đất nước Hàn
Quốc lại xôn xao hẳn lên trong cơn sốt truy tìm nhân sâm.
Và đã có nhiều người từ bỏ hẳn nghề nghiệp mình đang đeo đuổi để chuyên tâm vào việc truy tìm thần dược.
Pae Young Gun là một ví dụ. Anh đã từ bỏ
nghề chài lưới để nhập cuộc với rất nhiều người khác nuôi mộng đổi đời
bằng nhân sâm. Trước khi việc tìm kiếm bắt đầu, cả nhóm của Pae đổ một
ít đồ ăn xuống dưới gốc cây để cúng tế thần linh và trừ ma quỷ.
Từng đoàn người mải miết đi vào rừng tìm
kiếm. Rừng thì rộng nhưng không phải là vô vọng. Đối với những người
săn tìm lão luyện thì cùng lắm là ba ngày, họ sẽ phải tìm thấy manh mối
của sâm. Pae tâm sự: “Hãy cứ vào sâu trong núi và tìm kiếm thật chăm
chỉ, công sức của bạn sẽ được đền đáp”.
Tuy nhiên, một sự thật hiển nhiên là việc tìm kiếm đang ngày một gian khó hơn khi những cánh rừng ngày một bị thu hẹp lại.
Ấy thế nhưng, hiếm có người nào đã cất
công vào rừng tìm kiếm lại chấp nhận bỏ cuộc. Bởi đơn giản, nhân sâm đối
với họ giống như một thứ… “thuốc gây nghiện” mà mỗi khi bập vào việc
tìm kiếm thì khó rút ra được.
Ở Hàn Quốc, nhân sâm là một niềm đam mê
lớn nên dù chỉ tìm thấy được một mẩu sâm nhỏ, đem về chia tặng cho người
thân thì cũng là mãn nguyện lắm rồi.