01-06-2012
Đông trùng hạ thảo - thứ “vàng mười” đắt đỏ trên thị trường Trung Quốc. Sự thực này được các phóng viên đài Sơn Đông tiết lộ sau thời gian dài nằm vùng điều tra tại thị trường Tế Nam. Sau đây là những chiêu trò “phù phép” khôn lường của các gian thương đối với thứ thần dược đắt đỏ hơn vàng này.
Những sự thực vừa được công khai trên đài truyền hình Sơn Đông khiến người tiêu dùng Trung Quốc "chết điếng".
Đông trùng hạ thảo được “Cấy ghép” tùm lum:
Những hộ kinh doanh bất lương sẽ thu gom các côn trùng có hình dáng giống đông trùng hạ thảo, phơi khô và ghép thêm phần cỏ khô trên đầu để tạo thành phần đầu thảo và đánh lừa thị giác của người mua.
“Nhồi” thêm bột kim loại để tăng trọng lượng:
Một số gian thương còn bôi thêm bột kim loại nặng như bột chì hoặc thủy ngân lên trên đầu thảo để làm tăng trọng lượng, hòng tận thu lợi nhuận.
Thổi phồng nguồn gốc xuất xứ của đông trùng hạ thảo:
Rất nhiều loại đông trùng hạ thảo á hương bổng mọc hoang tại vùng Hồ Nam, Quảng Tây, Giang Tây, An Huy và trùng thảo loại "thường thường bậc trung" vùng Tân Cương đều bị gian thương thổi phồng thành thứ thuốc quý hiếm mọc trên đỉnh Tây Tạng.
Bột mỳ + bột ngô + tinh bột + thạch cao = đông trùng hạ thảo
Trung Quốc là một trong số ít những quê hương của đông trùng hạ thảo, loại thuốc vô cùng quý hiếm và kén đất sinh trưởng. Tuy nhiên, một thực tế trái ngược lại đang tồn tại trên thị trường tiêu dùng Trung Quốc, đó là số lượng đông trùng hạ thảo được bày bán tràn lan, nhiều không kể xiết. Và không ít trong số này hoàn toàn là hàng dỏm được nhào nặn từ bàn tay con người.
Theo tiết lộ của các phóng viên đài Sơn Đông, nhiều hộ kinh doanh đã sử dụng bột mỳ, bột ngô, tinh bột, thạch cao hòa thành hỗn hợp, sau đó ép vào khuôn có hình đông trùng hạ thảo, rồi bôi thêm phẩm màu và phơi khô trước khi đóng gói bao bì và cho xuất xưởng với danh nghĩa “đông trùng hạ thảo chính phẩm, thượng hạng”.
Dụng chiêu “Ly miêu hoán thái tử”:
Thay vì phải thu mua đông trùng hạ thảo quý hiếm, thuần chất tự nhiên, nhiều người đã dùng phương pháp nuôi trùng thảo khuẩn ti thể và ngang nhiên kê khai trên bao bì là loại thần dược thuần tự nhiên. Đương nhiên, loại sản phẩm "treo đầu dê, bán thịt chó" này có mức giá vô cùng “cắt cổ”.
Lý giải về sự bùng phát của hành vi làm ăn gian dối này, một số chuyên gia Trung Quốc cho biết, tuy giá cả đông trùng hạ thảo trên thị trường vô cùng đắt đỏ, thậm chí lên tới vài chục nghìn hoặc vài trăm nghìn NDT/kg, nhưng lợi nhuận thực tế của người kinh doanh không hề cao như dư luận nhầm tưởng. Số lãi bán buôn chỉ1% - 3%, bán lẻ là 3% - 5%. Ma lực đồng tiền đã khiến một số gian thương dụng đủ chiêu trò làm giả đông trùng hạ thảo để thoải mái kiếm lời.
Trước hiện trạng nhức nhối trên, các chuyên gia Trung Quốc đã chia sẻ một số mẹo hay giúp người tiêu dùng phân biệt thật giả. Theo các chuyên gia, khách hàng có thể nhận biết một cách sơ bộ thông qua hình dáng và hương vị của sản phẩm. Đông trùng hạ thảo thật sẽ có mùi tanh rất đặc trưng. Để đối phó với những sản phẩm chứa bột kim loại, chỉ cần nhúng vào một chén nước, nếu thấy bột kim loại tản lắng xuống đáy chén, đó đích thực là sản phẩm kém chất lượng.
Đợt điều tra này cũng cho thấy, kiến thức phân biệt đông trùng hạ thảo của người tiêu dùng rất hạn chế. Mục đích chính khi mua mặt hàng này là làm quà tặng, rất ít người mua để dùng.
Bàn về giá trị sử dụng của đông trùng hạ thảo, một vị giáo sư của ĐH trung y dược Tứ Xuyên cho biết: “Đông trùng hạ thảo được ghi chép trong sử sách khoảng 200 đến 300 năm nay. Đây không phải là thần dược tột cùng thần bí như mọi người lầm tưởng. Loại thuốc này có công dụng bổ dưỡng nhất định, tuy nhiên, người tiêu dùng không nên đề cao tới mức không uống không được”.