20-07-2010
Mọi loại thức ăn đều phải tuần tự vào miệng, đi qua các cửa “ải” của đường tiêu hóa, và chất thải theo hậu môn ra ngoài. Miệng nhờ các cơ nhai và bộ răng đảm trách nhiệm vụ cơ học chính là nhai cắn, xé nát thức ăn. Dạ dày co bóp làm nhuyễn thức ăn thành dịch loãng như cháo. Các men (enzyme) tiêu hóa ở miệng, dạ dày, tụy tạng, ruột... sẽ xúc tác hóa học để tiêu hóa thức ăn. Ruột non là nơi chính hấp thu các sản phẩm bổ dưỡng để nuôi cơ thể. Còn các chất thải bỏ (phân) sẽ được ruột già co bóp để tống xuất ra ngoài.
Ăn chậm giúp cơ thể điều tiết lượng thức ăn đưa vào
Các nhà dinh dưỡng học khuyên nên ăn chậm tất cả các loại thức ăn vì hai lợi ích:
- Khi ăn chậm, thức ăn mới đủ thời gian để qua hết các khâu tiêu hóa và hấp thu đủ dưỡng chất cần thiết. Ăn quá nhanh, thức ăn chưa qua đầy đủ các công đoạn nhai nghiền, tẩm nước bọt, tẩm men tiêu hóa, dịch mật... nên sẽ rất khó tiêu, buộc dạ dày phải làm việc thay răng, do đó có thể gây viêm, sa dạ dày, đi tiêu phân sống...
- Ăn chậm giúp cơ thể điều tiết lượng thức ăn đưa vào. Số là trong quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, chất bổ dưỡng, đặc biệt là chất đường glucose do tiêu hóa chất bột sẽ là chất điều hòa trung tâm thần kinh “thèm ăn” ở vùng dưới đồi của hệ thần kinh não bộ.
Trung tâm “thèm ăn” này hoạt động khá đơn giản: trong máu thiếu glucose sẽ gây thèm ăn và ngược lại trong máu thừa glucose sẽ gây chán ăn - đây chính là “cái phanh” để điều tiết lượng thức ăn vào cơ thể, không quá thừa và không thể thiếu. Khi ăn quá nhanh, lượng thức ăn “ào vào”, cơ thể không tiết chế được, chắc chắn chúng ta sẽ bị thừa năng lượng, thừa cân, béo phì...
Theo BS. Trần Bá Thoại
Tuổi trẻ