20-07-2010
Theo Đông y, quả ổi còn xanh có vị ngọt, chát, tính bình, có tác dụng kiện vị, cố tràng, thu liễm, thường được dùng trong các trường hợp tiêu chảy, kiết lỵ, xuất huyết, viêm nhiễm đường tiêu hoá.
Quả ổi chín vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ dưỡng, kiện tỳ, trợ tiêu hoá, nhuận tràng, thường dùng trong các trường hợp táo bón, ăn uống không tiêu, xuất huyết, tiểu đường.
Ngoài ra, ổi còn có tác dụng làm đẹp da. Cũng nhờ tính chất làm se, nên ổi giúp cải thiện cấu trúc da và phòng ngừa một số bệnh về da như một loại mỹ phẩm tốt.
Cũng do ổi rất giàu vitamin A, các vitamin nhóm B, vitamin C tác động như những chất chống oxy hoá nên có thể giúp da tránh được những dấu hiệu lão hoá sớm.
Về giá trị dinh dưỡng, trong 100g ổi có 85g nước, 0,6g protit, 7,7g gluxit, 6g xenlulo, 10mg canxi, 16mg photpho, một ít chất sắt, nhiều kali và các loại vitamin, nhất là vitamin A và C, cung cấp được 34kcal.
Đặc biệt trong ổi còn có nhiều lycopen là một chất chống oxy hoá giúp phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt và rất nhiều kali (một quả ổi cỡ vừa cung cấp được 688mg kali, nhiều hơn 63% kali trong chuối).
Vỏ quả ổi và phần cùi sát dưới vỏ chứa nhiều vitamin C hơn cả trong nước cam. Nói chung đa số các vitamin tập trung trong phần cùi sát với lớp vỏ bên ngoài, do đó khi ăn ổi ta chỉ cần chú ý rửa thật sạch, không nên gọt vỏ.
Ngoài giá trị ăn uống ổi còn có giá trị phòng bệnh và hỗ trợ điều trị bệnh tốt, mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ và có khả năng hỗ trợ điều trị một số bệnh như tiêu chảy, lỵ, ho, cảm, bệnh về da, các trường hợp cao huyết áp, tiểu đường.
Tuy ổi có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ nhưng cũng chỉ nên ăn mỗi ngày 2 - 3 quả, nếu ăn quá nhiều lượng chất xơ phong phú trong quả ổi sẽ gây nặng bụng, khó tiêu.
Chỉ nên ăn ổi chín vì ổi có giá trị dinh dưỡng cao nhất trong khoảng vài ngày từ lúc bắt đầu chín. Không ăn ổi xanh do có nhiều chất tanin dễ gây táo bón.
Theo BS Hương Liên
Bee