04-10-2010
Quả hồng ăn sống thường có màu vàng nâu sậm, bên ngoài có một lớp sáp và khi ăn thường có vị se chát vì chứa rất nhiều tanin. Khi quả chín sẽ trở nên ngọt hơn vì tanin đã biến mất.
Cách ăn trái hồng tốt nhất là ăn tươi, hồng còn được sử dụng làm bánh kẹo, mứt, kem, tráng miệng hoặc chế biến thành lát mỏng dùng chung trong món xà lách trộn kem sữa chua.
Thành phần và giá trị dinh dưỡng của thịt quả hồng rất cao, rất nhiều beta caroten và sinh tố A (10.080 I.U cho 1 kg hồng), sinh tố B (thiamin, riboflavin, niacin) và C. Ngoài ra, còn nhiều khoáng tố vi lượng như Ca, P, Fe, protein, nhiều chất xơ, đường.
Hồng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe:
-
Hồng được sử dụng như phương thuốc cổ truyền hỗ trợ điều trị nhiễm trùng phổi, trĩ và bệnh suyễn. Thường dùng dạng hồng khô, ăn mỗi ngày khoảng một trái là tốt. Tính chất se chát của hồng còn giúp ngừng tiêu chảy, cầm mồ hôi và cầm máu.
-
Hồng còn giúp ngừa ung thư vì có hàm lượng beta caroten cao, các hợp chất như sibutol và axit betulinic được nghiên cứu có tác dụng kháng ung thư. Một nghiên cứu mới tại Nhật Bản đã chứng minh tác dụng chống lão hóa của hồng nhờ nhóm hợp chất proanthocyanidin có nhiều trong lớp vỏ, giúp bảo vệ tế bào không bị oxy hóa.
-
Tính chất của hồng tươi và hồng khô khác nhau, hồng tươi có tính hơi hàn, có thể làm hạ huyết áp, không nên dùng cho người suy kiệt, huyết áp thấp, mệt mỏi kinh niên, phụ nữ sau khi sinh còn yếu. Hồng khô tính bình, dẻo, ngọt, được dùng giải ngộ độc do ăn uống gây tiêu chảy, kiết lỵ lâu ngày không hết.
Tuy tốt nhưng không nên ăn hồng tươi nhiều vào lúc bụng quá đói, không nên ăn cùng những loại quả có chứa nhiều chất axit vị chua hoặc protein, vì chất tanin trong hồng sẽ kết tủa với các nhóm chất trên làm tắc nghẽn đường tiêu hóa, gây khó tiêu và dễ bị kích ứng niêm mạc ruột.
Hồng khô nhiều đường, ăn nhiều quá sẽ hại tì, không tốt cho răng miệng và dễ sinh nhiệt trong cơ thể, người tiểu đường cũng cần hạn chế sử dụng.
Theo DS. Lê Kim Phụng