11-10-2010
Theo y học cổ truyền, thịt gà ác được xem là dược liệu có vị ngọt, mặn, hương vị thơm, tính ẩm, không độc, có tác dụng bổ dưỡng cao, giúp phục hồi nhanh sức khỏe, ích khí huyết, cầm máu, an thần, giảm đau; dùng trong các vấn dề về phổi, thận, ra mồ hôi trộm, đau lưng, đái tháo, di tinh, hoạt tinh, kiết lỵ lâu ngày, chân tay yếu mỏi, thiếu máu, rất tốt cho người tạng yếu, người già, người mới ốm dậy trong thời kỳ đang dưỡng bệnh, phụ nữ sau khi sinh...
Dưới đây là một số cách dùng gà ác trong bồi bổ:
-
Dùng cho những trường hợp hay bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau lưng do can thận âm hư: thịt gà ác 50g, vị thuốc kỷ tử 10g, gừng tươi vài lát. Thịt gà rửa sạch, đem hầm cùng kỷ tử và gừng tươi cho thật nhừ, nêm nếm gia vị vừa dùng, ăn lúc còn nóng.
-
Bổ huyết điều kinh, thường dùng cho phụ nữ kinh nguyệt không đều: gà ác 1 con, vị thuốc đương quy 10g, thục địa 10g, bạch thược 10g, trị mẫu 10g, địa cốt bì 10g. Tất cả đem hầm cách thủy cho chín, nêm nếm gia vị vừa dùng.
-
Bồi dưỡng cho trẻ còi cọc, ốm yếu: Dân gian thường dùng món ăn bài thuốc đó là: thịt gà ác 100g đem nấu cháo với lá dâu non (20g) và gạo nếp (10g), nêm nếm gia vị vừa ăn. Chia ăn 3 lần trong ngày.
-
Dùng cho nam giới bị di tinh, phụ nữ bị khí hư có màu trắng đục: gà ác 1 con, hạt sen (15g), vị thuốc khiếm thực (15g), gạo nếp (150g). Đem nấu cháo, nêm nếm gia vị, chia ăn vài lần hết trong ngày.
-
Bổ khí huyết, cường gân cốt: gà ác (gà trống) 1 con, vị thuốc tam thất 5g, một ít rượu vang và gia vị vừa đủ. Tam thất thái phiến, cho vào trong bụng gà cùng với một chút rượu vang và gia vị, rồi đem hầm cách thủy cho chín mềm.
Trong y học cổ truyền, và kinh nghiệm dân gian của một số nước châu Á, gà ác còn được nấu thành cao (gọi là “tính gà đen”) cùng với một số vị thuốc để khắc phục chứng mệt mỏi, đau lưng, mất ngủ, ra mồ hôi trộm...
Lương y Vũ Quốc Trung