20-07-2010
Thực phẩm nên tránh:
Thịt đỏ
Ăn một lượng lớn thịt đỏ như thịt bò, bít tết, thịt băm… dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Trong thịt đỏ chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao, có thể dẫn đến những bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa. Việc chọn ăn thịt bò, cừu sạch giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ung thư. Theo kết quả nghiên cứu, nếu nạp khoảng 250g thịt đỏ mỗi ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư 22%, tim 27%... Nên ăn thịt đỏ kết hợp với rau hoặc nấm Portobello cùng các loại rau quả khác. Hạn chế ăn thịt không như thịt luộc, rán….
Thịt hỗn tạp
Thịt hỗn tạp bao gồm, xúc xích, dồi… Những loại thức ăn này khá nguy hiểm với hệ tiêu hóa bởi quá trình sản xuất của chúng, các gia vị phụ thêm vào và cách bảo quản. Nếu bạn không “nhịn” được loại thức ăn này, lời khuyên tốt nhất dành cho bạn là nên chọn thịt được bảo quản cẩn thận và có ghi rõ thời hạn sử dụng.
Axit béo chuyển hóa
Axit béo chuyển hóa hay còn gọi là TFA có nhiều trong thịt bò, thịt lợn, cừu… Axit này có xu hướng làm tăng tổng số lượng cholesterol trong máu. TFA còn làm tăng cholesterol có hại LDL và làm giảm cholesterol có lợi LDL. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch là không tránh khỏi nếu ăn những thức ăn chứa quá nhiều axit béo chuyển hóa.
Đường sữa
Đường sữa chỉ có lợi khi bạn hấp thụ một cách hợp lý. Vì đường được sản xuất theo phương pháp công nghiệp chứ không phải là đường thiên nhiên có trong thực phẩm như hoa quả và sữa, nên không tránh khỏi các chế phẩm phụ để tạo màu sắc và tăng độ hấp dẫn cho sản phẩm. Các loại đường sữa này gây ra nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái đường, béo phì, đẩy nhanh quá trình tiêu hóa và làm giảm hệ thống miễn dịch.
Những dinh dưỡng cần thiết:
Các loại thức ăn dạng sợi
Là một trong những thức ăn tốt nhất cho hệ thống tiêu hóa bởi nó giúp cơ thể đào thải những chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Các loại thức ăn này bao gồm rau, củ quả, đậu, nho... Thức ăn dạng sợi giúp cơ thể thanh lọc những độc tố, cung cấp và cân bằng nguồn dinh dưỡng, bổ sung các loại vitamin và giúp chống lão hóa nhanh.
Probiotic
Probiotic chứa những vi khuẩn có lợi giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn một cách dễ dàng mà không gây ra sự ngộ độc hay viêm nhiễm. Một loại thực phẩm giàu probiotic là sữa chua. Các loại thực phẩm lên men như món dưa cải bắp cũng giúp cơ thể tiêu hóa tốt hơn, chống lại sự viêm nhiễm của đường ruột, tăng hệ thống miễn dịch…
Prebiotic
Prebiotic giúp các vi khuẩn có lợi phát triển và hoạt động trong cơ thể. Prebiotic có thể tìm thấy trong rất nhiều thực phẩm như hành, tỏi, hành lá, chuối, thậm chí trong các loại đậu. Ngay cả trong sữa chua, bạn cũng tìm thấy một lượng nhỏ prebiotic.
Nước
Một nguồn dinh dưỡng không thể thiếu cho cơ thể. Hàng ngày, hãy uống 6 đến 8 cốc nước để giúp cơ thể thải các độc tố ra ngoài, giúp thanh lọc ruột và có khả năng giảm đáng kể các bệnh đường ruột và tiêu hóa.
Theo Anh Thương
ANTĐ