20-07-2010
Miễn là tự nấu lấy, thay vì ăn “bậy bạ” ngoài đường, lỡ bị Tào Tháo đuổi thì khốn! Lúc đó, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa! Phải tự nấu lấy vì cũng như phải tự “dùi mài kinh sử” lấy, chứ không thể học tủ, học phao cầu may. Khi một bụng đã đầy… chữ nghĩa, đã ôn tập kỹ lưỡng rồi, thì đề thi nào cũng có thể làm được, không sợ rớt nữa vậy.
Nghĩ xem, học thi vất vả, mệt mỏi mà làm một chén chè đậu vào thì đỗ là... cái chắc. Tại sao ư? Tại trong đậu có nhiều đạm, có nhiều vitamine, rất tốt cho trí não lúc đang căng thẳng vì học thi. Trong chè thì có đường, tăng thêm năng lượng, vì não rất cần glucose. Ta biết khi bị hạ đường huyết (hypoglycémie) thì đầu óc lú lẫn, quên trước quên sau mà còn có thể xây xẩm, chóng mặt, làm kinh! Tóm lại, đường và đậu là những chất cần thiết cho học thi.
Cũng vậy, trong lúc học thi thì một ly chanh đường, ly cam vắt sẽ rất tốt, rất cần thiết cho cơ thể. Chanh đường, cam vắt cũng phải tự pha lấy mới được. Ta biết cam chanh có nhiều vitamine C, đường cho glucose và nước là chất không thể thiếu. Còn tự tay làm lấy là để có dịp cho trí não “xả hơi” một chút. Trái lại, lon nước cam, nước chanh chế biến “công nghiệp” thường chỉ có hương vị và đường hóa học, không giúp ích gì cho chuyện học hành thi cử, uống chỉ nặng bụng thêm.
Thế ngoài… đậu ra, ăn gì thi đỗ nữa? Ăn bí. Nhiều em tưởng ăn bí dễ… bí, nhưng không, ăn bí rất tốt. Dù là bí xanh hay bí đỏ, bí ngô hay bí đao đều tốt cả vì trong bí có rất nhiều vitamine, đặc biệt có chất acid glutamic, một thứ thuốc bổ não “đặc hiệu” thường được quảng cáo ầm ĩ vào mùa thi. Đừng quên, muối natri của acid glutamic là monosodium glutamate chính là bột ngọt, ăn vào còn dễ bị nhức đầu chóng mặt, gọi là “hội chứng quán ăn Trung Hoa”. Học thi mà uống nhiều thuốc bổ não càng làm cho não đặc cứng lại, nếu đó là các loại thuốc kích thích thần kinh thì càng nguy. Lúc thi, thấy đề quá dễ mà làm không được vì đầu óc bừng bừng mà
trống rỗng!
Thế còn ăn… trứng vịt thì sao ạ? Ăn trứng vịt cũng đỗ nữa sao? Chứ sao! Trứng vịt trứng gà trứng ngỗng… gì cũng đỗ cả! Miễn là trứng không nhiễm H5N1, thứ virus gây bệnh trên gia cầm như ta đã biết. Vậy, phải chọn trứng có “nguồn gốc rõ ràng” và quan trọng hơn, nấu cho kỹ. Không ăn kiểu nửa sống nửa chín rất nguy.
Sở dĩ nói ăn đậu thì đậu, mà ăn bí, ăn trứng cũng đậu là vì các thức ăn đó đều có đủ các chất đạm, chất béo, chất đường, vitamine, khoáng v.v… là những chất thiết yếu cho cơ thể, nhất là ở tuổi đang lớn, vào lúc học thi đòi hỏi nhiều chất dinh dưỡng trong thiên nhiên. Chuyện ăn đậu thì đậu, ăn trứng thì rớt là chuyện “dị đoan mê tín”.
Nhiều “cậu ấm cô chiêu” vào những ngày học thi này luôn có người kèm, học toàn tủ, ăn toàn cao lương mỹ vị, uống sâm cao ly, thuốc bổ óc, nói chung thường thì… rớt! Ấy bởi vì tự bản thân không rèn luyện mà dựa dẫm, ỷ lại. Cứ mỗi mùa thi ta lại nghe cô bé bán khoai, anh sửa xe đạp, em học sinh trường huyện, cậu học trò miền núi, thui thủi học một mình mà thi đỗ cao, thủ khoa vài ba trường đại học, nhờ đâu? Nhờ đậu, nhờ bí, nhờ hột vịt và nhờ biết tự rèn luyện một mình vậy!
Theo BS. Đỗ Hồng Ngọc
Phụ nữ